Việc ngày càng có nhiều nội dung trên môi trường số đã đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề bảo vệ bản quyền, cũng như tình trạng xâm phạm quyền tác giả diễn ra phức tạp.
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) phát biểu tại cuộc tọa đàm "Bản quyền và phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số" (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Ngày 17/4 tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số tổ chức tọa đàm "Bản quyền và phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số".
Tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cũng như khuyến khích các hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, đặc biệt là gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại đó, đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ là trung tâm để giải quyết những thách thức toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của xã hội.
Vi phạm bản quyền vẫn còn là vấn nạn toàn cầu
Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm bản quyền trên nền tảng số vẫn diễn ra hàng ngày, vô cùng phức tạp (Ảnh minh họa).
Theo các diễn giả tại tọa đàm, việc ngày càng có nhiều nội dung trên môi trường số đã đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo ông Phạm Thành Tùng, Phó Trưởng phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan (Cục Bản quyền tác giả), dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Theo đó, vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau. Công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trong môi trường kỹ thuật số nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm đo kiểm phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho biết tình trạng vi phạm bản quyền trên nền tảng số đang diễn ra hàng ngày, và vô cùng phức tạp.
Theo số liệu được ông Hải cung cấp, trung bình có khoảng 100 trang web vi phạm bản quyền bóng đá luôn thường trực trên mạng. Trong mùa giải 2022-2023, có khoảng 1,5 tỷ lượt xem tại các trang web "lậu" này.
Đối với nội dung về phim và các sản phẩm văn hóa khác, có trung bình 200 trang web "lậu", hàng tháng thu hút khoảng 120 triệu lượt xem.
Đáng chú ý thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng một số trang web đặt máy chủ ở nước ngoài vi phạm bản quyền về các sản phẩm truyện tranh nước ngoài, điển hình là truyện tranh manga của Nhật Bản.
Theo ông Hoàng, vi phạm về truyện tranh trên không gian mạng ước tính gây thiệt hại hàng trăm triệu USD cho các đơn vị sở hữu bản quyền.
AI đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ bản quyền
ông Hoàng Đình Chung, giám đốc Trung tâm bản quyền số nhấn mạnh vai trò của công nghệ và ứng dụng AI để chống vấn nạn đánh cắp bản quyền (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Tại tọa đàm, ông Hoàng Đình Chung, giám đốc Trung tâm bản quyền số, cho rằng cần phải ứng dụng công nghệ, mã hóa nội dung trước khi đưa lên môi trường số để chống vấn nạn đánh cắp bản quyền.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng AI trong các khâu kiểm duyệt nội dung số cũng được xem là điểm mấu chốt để đạt được sự hiệu quả cần thiết.
Lấy ví dụ trong tình huống cụ thể, ông Chung giả định khi một người xem một trận bóng tại một trang web lậu vào buổi đêm, và quyết định báo cáo vi phạm đối với trang web này.
Nếu như là hệ thống do người vận hành, thì sẽ rất khó để kiểm tra, cũng như xử lý kịp thời. Quá trình này có thể diễn ra từ vài ngày, cho tới hàng tuần. Trong khi đó, nếu ứng dụng AI để nhận diện và tự động chặn website "lậu", đối tượng vi phạm bản quyền có thể bị xử lý ngay trong vài phút.
Chuyên gia này cũng cho rằng, cần có sự tích cực hơn nữa từ phía chủ sở hữu bản quyền trong các trường hợp sai phạm. Các đơn vị này có thể cung cấp chứng cứ của các bên phát hành bất hợp pháp, phối hợp với các dịch vụ cung cấp dữ liệu trung gian, lưu trữ máy chủ và đơn vị quản lý nhà nước nhằm giải quyết triệt để các vi phạm.
Theo số liệu khảo sát công bố năm 2021 của WIPO về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền, tại các nước phát triển như Mỹ đóng góp này chiếm khoảng 11,99% GDP, Hàn Quốc là 9,89% GDP, Pháp là 7,02% GDP.
Số liệu này cho thấy việc bảo hộ hiệu quả bản quyền có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%.
Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Theo Nguyễn Nguyễn
Nguồn: Báo Dân Trí
Black Myth: Wukong vẫn đang là cái tên có sức...
Tiến sĩ Rafael Frankel chia sẻ định hướng phát triển...
Apple giúp người dùng chuyển danh sách phát nhạc sang...
Thêm vào giỏ hàng thành công!
Xem giỏ hàng